Việc triển khai thực
hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), nhất là trên lĩnh vực y tế -
dân số ở tỉnh ta trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực
đến đời sống của người dân; góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; tạo cơ hội và điều kiện để người
nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần phát triển hệ thống kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt
khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát
triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Chương
trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh hàng tháng tại trạm y tế xã nông thôn
Bến Tre. (Ảnh TLYT)
Chương trình MTQG về y
tế - dân số ở tỉnh ta năm qua được thực hiện cụ thể, đó là nước sạch vệ sinh
môi trường nông thôn, hoàn thành 100% công trình xây dựng nhà vệ sinh cho hộ
nghèo tại 14 xã của các huyện Châu Thành, Thạnh Phú, Bình Đại, Chợ Lách, Mỏ Cày
Bắc và thành phố Bến Tre (với 230 nhà vệ sinh).
Chương trình chống
phong đạt 100,61% so kế hoạch năm (giảm 5,58% so cùng kỳ); số bệnh nhân phong
được quản lý và điều trị là 119 người. Chương trình chống lao, đã phát hiện
bệnh nhân lao các thể (đạt 97% so kế hoạch năm, tăng 5% so cùng kỳ 2015 và điều
trị khỏi là 88%). Chương trình phòng
chống sốt rét, đã giám sát dịch tể các vùng trọng điểm, tổng lượt điều trị đạt
100%, sốt lam xét nghiệm đạt 100% so kế hoạch năm.
Chương trình phòng,
chống sốt xuất huyết, các huyện/thành phố trong tỉnh đều có số ca mắc sốt xuất
huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong đó Bình Đại, Thạnh Phú có số ca
mắc cao nhất. Ngành đã chỉ đạo cho Trung tâm Y tế Dự phòng tổ chức các lớp tập
huấn về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika cho các bác sĩ, điều
dưỡng các bệnh viện trong tỉnh và trưởng trạm y tế của các xã, phường, thị trấn
của 09 huyện/thành phố; thực hiện các hoạt động diệt lăng quăng ở huyện Bình
Đại, Thạnh Phú; giám sát côn trùng sốt xuất huyết ở huyện Chợ Lách và Tp. Bến
Tre; dập dịch diện rộng ở các ấp thuộc xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, Hòa Lợi, Mỹ
An, An Điền (huyện Thạnh Phú); thị trấn Bình Đại, xã Bình Thắng, Thạnh Phước,
Định Trung (huyện Bình Đại); xử lý 433/448 ổ dịch được phát hiện ở các
huyện/thành phố trong tỉnh (số còn lại nằm trong khu vực đã xử lý ).
Chương trình chăm sóc
sức khỏe tâm thần tại cộng đồng: giám sát các hoạt động của chương trình, tập
huấn chuyên môn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ dược ở các xã có thay đổi, hiện
có 111 xã và 2.621 bệnh nhân được quản lý, điều trị chăm sóc tại cộng đồng.
Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) như: tiêm đủ 08 loại (đạt 96% chỉ tiêu
kế hoạch năm). Chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, đã tập huấn
cho cán bộ chuyên trách dinh dương 9 huyện/thành phố và cán bộ chuyên trách xã,
phường, thị trấn về phòng, chống suy dinh dưỡng; triển khai cân, đo trẻ từ 0 –
5 tuổi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ
mang thai, tổ chức các buổi tuyên truyền về dinh dưỡng kết hợp thực hành chế
biến bữa ăn mẫu cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi; tổ chức khám và cấp sản phẩm dinh
dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng xã Bình Thắng, Đại Hòa Lộc (Bình Đại); Vĩnh Hòa,
Phú Sơn (Chợ lách); cấp sản phẩm phục hồi dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng phân bổ
cho 789 trẻ suy dinh dưỡng của 121/164 xã, phường thị trấn trong tỉnh; phối hợp
với khoa Nhi và khoa Sản Bệnh viên Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tổ chức các lớp
truyền thông về chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có con bị bệnh đang nằm viện; cho
bà mẹ có thai đến khám thai và sinh về chăm sóc thai nghén và nuôi con bằng sữa
mẹ; giám sát hoạt động 64 xã trong tỉnh đạt chỉ tiêu đề ra. Ước tỷ lệ suy dinh
dưỡng chung toàn tỉnh đạt 11% theo kế hoạch đề ra.

Xây dựng trạm y tế xã đạt
chuẩn quốc gia theo quy định trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh TTr)
Về chương trình Dân
số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đã thực hiện các hoạt động truyền thông,
giáo dục chuyển đổi hành vi như: triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt
động truyền thông về DS-KHHGĐ năm 2016 với các ban, ngành, đoàn thể có liên
quan; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thực hiện 05 chuyên mục, 02
phóng sự ngắn về công tác DS-KHHGĐ, thực hiện 12 chuyên trang dân số đăng trên
báo Đồng Khởi; với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức truyền thông lồng ghép nội
dung sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên vào hoạt động ngoại khóa cho học
sinh 32 Trường trung học phổ thông trong tỉnh; với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ
chức 03 cuộc truyền thông về SKSS cho nữ công nhân tại các khu, cụm công nghiệp
của huyện Giồng Trôm và Công ty Thành Kiều tại huyện Ba Tri; phối hợp Trường
Chính trị tỉnh tổ chức lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh
vào chương trình đào tạo của trường; điều tra khảo sát kiến thức, thái độ, hành
vi (KAP) sinh sản của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở các huyện Chợ
Lách, Giồng Trôm và Thạnh Phú.
Về hoạt động chăm sóc
SKSS và đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai như: tổ chức khám phụ khoa ở các
xã, phường, thị trấn; xây dựng đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai,
hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS ở khu vực thành thị và nông thôn phát triển tại
tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015
của Bộ Y tế; đã triển khai kế hoạch thực hiện và hoạt động tiếp thị xã hội các
phương tiện tránh thai năm 2016 khắp 09 huyện, thành phố.
Hoạt động thực hiện
các mô hình nâng cao chất lượng giống nòi, đã mở rộng mô hình “tư vấn và khám
sức khỏe tiền hôn nhân” thêm 08 xã tại 03 huyện (Giồng Trôm, Chợ Lách, Thạnh
Phú), nâng tổng số 44/164 xã, phường, thị trấn có mô hình. Duy trì hoạt động là
111 câu lạc bộ tiền hôn nhân, mỗi câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi quý
một lần; tập huấn cho tổ tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân ở 08 xã mới nhân
rộng (với 51 người tham dự). Năm 2016, đã tư vấn cho 1.920 đối tượng nam, nữ
chuẩn bị kết hôn, có 270/300 trường hợp tự nguyện khám sức khỏe (đạt 90% so với
kế hoạch năm).
Hoạt động mô hình
sàng lọc trước sinh (SLTS), sàng lọc sơ sinh (SLSS), được tiếp tục triển khai
thực hiện thu phí SLSS cho đối tượng ngoài diện miễn phí. Và trong tỉnh có 09
bệnh viện công ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thực hiện SLSS với Bệnh viện Phụ
Sản Thành phố Cần Thơ; 09 huyện/thành phố và 164 xã, phường, thị trấn duy trì
các hoạt động truyền thông SLTS và SLSS. Năm qua, số bà mẹ mang thai tham gia
sàng lọc tầm soát bệnh là 4.250/2.804 ca (đạt 151,57%) so chỉ tiêu năm, trong
đó đối tượng thuộc diện hỗ trợ 44/369 ca (đạt 11,92%) và tự tham gia là
4.206/2.435 ca (đạt 172,73%). Số trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân là
6.173/6.560 (đạt 94,10%) so chỉ tiêu năm, trong đó đối tượng thuộc diện hỗ trợ
867/867 ca (đạt 100%) và tự tham gia là 5.306/5.693 ca (đạt 93,20%).

Lãnh
đạo Sở Y tế kiểm tra diệt lăng quăng, phòng
chống dịch sốt xuất huyết. (Ảnh TLYT)
Hoạt động đề án tư
vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, tiếp tục duy trì hoạt động
tại 10 xã thuộc các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Bình Đại; triển
khai các hoạt động hướng dẫn thực hiện đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi
dựa vào cộng đồng năm 2016 đến các câu lạc bộ, phần lớn các câu lạc bộ đều duy
trì tổ chức truyền thông chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong sinh
hoạt hàng tháng.
Song song đó, Đề án
kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển cũng được thực hiện, các hoạt động
nâng cao chất lượng dân số, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em,
SKSS và KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe cơ bản, đầy đủ cho các
đối tượng 03 huyện vùng biển. Trong năm 2016 thực hiện khám phụ khoa lồng ghép
cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ SKSS - KHHGĐ, trong đó cung cấp dịch
vụ KHHGĐ miễn phí cho các đối tượng ưu tiên (diện chính sách xã hội, nghèo và
cận nghèo), tổng số 27/62 xã.
Năm qua, chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được quan tâm
thực hiện; có 05 vụ ngộ độc thực phẩm, 122 người mắc, trong đó có 01 tử vong.
Công tác thanh,
kiểm tra được tăng cường, tại các cơ sở sản xuất đạt điều kiện an toàn thực
phẩm là 331/429 cơ sở được kiểm tra (chiếm 77,15%); các cơ sở kinh doanh tiêu
dùng – dịch vụ ăn uống – bếp ăn tập thể đạt điều kiện an toàn thực phẩm 4.707/6.095
cơ sở được kiểm tra (chiếm 77,22%); kinh doanh thức ăn đường phố đạt điều kiện
ATVSTP 6.211/7.720 lượt được kiểm tra (chiếm 80,5%); số cơ sở còn lại không đạt
là do không đảm bảo ATVSTP trong quá trình sản xuất theo quy định, vi phạm quy
định về thực hành ATVSTP trong quá trình sản xuất thực phẩm (dưới 10 người), sử
dụng người lao động có thai, mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định nhưng
chưa đầy đủ. Đã tổ chức kiểm tra xác nhận kiến thức ATVSTP cho chủ cơ sở sản
xuất và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm có 2.074 người
tham dự; tổ chức nói chuyện chuyên đề ATVSTP cho người tiêu dùng có 8.749 người
tham dự. Bên cạnh đó, đã thẩm định cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP
cho 65 cơ sở sản xuất, 03 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 114 cơ sở dịch vụ ăn
uống, 18 bếp ăn tập thể.
Chương trình phòng,
chống HIV/AIDS, đã triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS
trong cộng đồng dân cư thông qua các hình thức như: loa truyền thanh xã, phường,
thị trấn và trong sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, trạm thông tin, các địa điểm
tập trung đông dân cư. Triển khai các
hoạt động can thiệp giảm tác hại trên nhóm nghiện chính ma túy, phụ nữ mại dâm
tại 05 huyện/thành phố (Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Ba Tri và TP. Bến
Tre); nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trong phạm vi tỉnh. Phối hợp Công an
tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn chương trình cai
nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 9 huyện/thành phố. Chương trình
điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại
tỉnh tính đến ngày giữa tháng 12/2016 số bệnh nhân đang điều trị là 285 người.

Hoạt
động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại thành phố Bến Tre. (Ảnh TLTĐ)
Các hoạt động chăm
sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS và hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang
con tiếp tục được triển khai thực hiện. Năm qua, số phụ nữ mang thai được tư vấn
trước xét nghiệm HIV là 9.463; số phụ nữ mang thai đồng ý xét nghiệm HIV tự
nguyện là 5.379 ca, phát hiện 13 ca dương tính (trong đó xét nghiệm HIV trong
thời kỳ mang thai 1.708 ca, xét nghiệm HIV trong lúc chuyển dạ 3.671 ca), ngoài
ra còn 09 ca đang điều trị ARV mang thai, sinh 16 trẻ tất cả đều được uống
thuốc dự phòng.
Tỷ lệ dự phòng lây
nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt 100%, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp tục
đăng ký điều trị cho mẹ và con đạt 100%. Số bệnh nhân đăng ký trước điều trị
152 ca, giảm 08 ca so cùng kỳ, lũy tích số trường hợp đăng ký trước điều trị
tính đến thời điểm báo cáo là 1.625. Số bệnh nhân mới được điều trị ARV 146 ca,
giảm 21 ca so cùng kỳ; lũy tích số bệnh nhân điều trị ARV tính đến thời điểm
báo cáo là 1.304 (bao gồm cả trẻ em); số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV 995
người lớn và 52 trẻ em. Lũy tích số trẻ nhiễm HIV đăng ký chăm sóc là 62 trẻ,
số trẻ đang quản lý 54, trong đó hiện đang điều trị ARV là 52, số trẻ đang theo
dõi và chưa đủ tiêu chuẩn điều trị ARV là 03.
Ngoài ra, đã phối hợp
với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh lấy mẫu xét nghiệm HIV và ma túy cho thanh niên
nhập ngũ tại 09 huyện/thành phố, với tổng số 1.919 thanh niên, có 07 trường hợp
dương tính HIV, 21 trường hợp dương tính ma túy (trong đó 18 trường hợp dương
tính với ma túy tổng hợp và 03 trường hợp đương tính với Morphine). Tính đến
giữa tháng 12/2016, số nhiễm HIV 153 ca, chuyển AIDS 65 ca và số bệnh nhân AIDS tử vong 48 ca (so cùng kỳ
nhiễm HIV giảm 60 ca, chuyển AIDS giảm 91 ca, tử vong giảm 24 ca).
Có thể nói, năm qua
việc thực hiện mục tiêu của CTMTQG về Y tế - Dân số ở tỉnh ta được ngành Y tế
các cấp phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, cũng như chủ động phòng, chống
một số dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra;
giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh
không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật học đường đảm bảo an ninh sức khỏe cho cộng
đồng. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát ATVSTP.
Bên cạnh đó, ngành y
tế đã phấn đấu khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm
tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; duy trì
mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng
cao chất lượng dân số; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và
bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh
quốc phòng. Thông qua các chương trình đã tổ chức, chuyển tải thông tin, giáo
dục, truyền thông phòng, chống các bệnh trong chương trình; huy động mọi nguồn
lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mọi người dân; tổ chức
triển khai các hoạt động giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh; đào tạo nâng
cao năng lực.
CTMTQG về y tế - dân số
đã góp phần hỗ trợ các địa phương trong
tỉnh trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế; nâng cao
chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh, góp phần đáp ứng
từng bước nhu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng
cuộc sống cho nhân dân tỉnh nhà trong giai đoạn hiện tại và sắp tới.